[VTV1] Công ty ATTi trong bản tin "Khuyến công" 17h,11/9/2015 'Triển lãm ICS 2015 Việt Nam - Nhật Bản"

11 tháng 11 2015

Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+
Phát triển công nghiệp phụ trợ là một trong những nội dung mà chính phủ Nhật Bản cam kết giúp đỡ Việt Nam trong khuôn khổ của Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản. Để triển khai nội dung này, Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam thuộc  Bộ Công thương phối hợp với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã tổ chức Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản luân phiên hàng năm tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Năm nay là năm thứ 6 triển lãm này được tổ chức và đang diễn ra tại Trung tâm Triển lãm quốc tế (ICE) – số 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.



ATTi là một công ty chuyên cung cấp các sản phẩm đúc cho ngành đóng tàu và chế tạo máy. Lần đầu tiên tham gia triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản, đại diện doanh nghiệp cho biết, mục đích quảng bá thương hiệu chỉ là một phần, nhưng quan trọng hơn là, để quan sát và học hỏi. Bởi, riêng với công nghệ đúc, Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực đang có một nền tảng tốt hơn và tiên tiến hơn. Chính vì vậy, kinh nghiệm mà các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản mang đến Triển lãm sẽ ít nhiều giúp cho doanh nghiệp nghiên cứu được đường hướng cạnh tranh, trong thời gian tới.


Ông Nguyễn Thế Long (Phó GĐ Công ty CP ATT Công nghiệp) trả lời phỏng vấn: “Đối với chúng tôi, khi chúng tôi nhận định là tham gia vào thị trường này, chúng tôi cũng phải xác định rằng, để sản xuất được những sản phẩm mà có thể cạnh tranh được thì chúng tôi bắt buộc phải nâng cao năng lực của mình, bằng việc thứ nhất là chúng tôi tham gia vào những khóa học mà áp dụng những hệ thống quản trị tiên tiến của người Nhật, hay áp dụng các hệ thống quản trị khác ở trên thế giới để làm sao nâng cao được chất lượng của sản phẩm, cũng như đáp ứng được giá thành cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực.”

Điểm đặc biệt là được tổ chức đồng thời gian và địa điểm với Triển lãm quốc tế về công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp và Triển lãm Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Cả 03 triễn lãm đã tạo nên một trong những sự kiện sôi động nhất, và có thể coi là lớn nhất trong năm của ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí và gia công chế tạo của Việt Nam, với sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp đến từ hơn 20 quốc gia.

Ông Atsusuke Kawada (Trưởng đại diện văn phòng JETRO tại Hà Nội) trả lời phỏng vấn: “Phía doanh nghiệp Nhật Bản trưng bày các linh kiện mà họ đang cần tìm mua. Còn doanh nghiệp Việt Nam trưng bày những sản phẩm thế mạnh của mình. Tại đây, các doanh nghiệp hai nước có thể trao đổi thông tin sản phẩm từ đó đi đến việc hợp tác kinh doanh. Việc tạo ra những cơ hội gắn kết doanh nghiệp như thế này chính là mục đích mà JETRO chúng tôi hướng đến.”


Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đã nhấn mạnh vai trò quan trọng phát triển hiện nay của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của đất nước. Thông qua những hoạt động như thế này, Việt Nam sẽ có điều kiện nâng cao sức cạnh tranh, trở thành điểm đến cung cấp phụ tùng, thiết bị công nghiệp có nhiều triển vọng ở ASEAN, trong các đối tác Nhật Bản và trong khu vực. Chính vì vậy, triển lãm lần này không chỉ là cơ hội để doanh nghiệp hai nước tìm hiểu sản phẩm, trao đổi công nghệ mà còn là bước khởi đầu cho những hợp tác song phương và những dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Ông Nguyễn Hồng Chuyên (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Công nghệ Cosmos) trả lời phỏng vấn: “Mục đích đến tham gia triển lãm là mình giới thiệu với khách hàng những sản phẩm cũng như công nghệ thế mạnh của công ty. Để tìm kiếm thêm khách hàng, công ty đã tập trung mở rộng, đặc biệt là tập trung vào những khách hàng bên Nhật để xuất khẩu sang Nhật.”


Ông Nguyễn Vân (Phó CT Hiệp hội các DN ngành công nghiệp hỗ trợ Tp. Hà Nội) trả lời phỏng vấn: “Nhận sự chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và đặc biệt là UBND Thành phố Hà Nội, đã triển khai xây dựng một khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội nằm trên địa bàn huyện Phú Xuyên xã Đại Xuyên để làm một khu công nghiệp chuyên sâu, đặc thù, quy tụ, chào đón các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn lớn của nước ngoài vào đầu tư phát triển những đặt hàng trực tiếp với những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong Hiệp hội chúng tôi, để cung ứng những sản phẩm hàng hóa cho nhau. Thứ hai là về nguồn vốn tài chính, chúng tôi cũng đã nói, là chúng tôi đang tích cực để các doanh nghiệp thiếu về nguồn vốn được tiếp cận những nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.”

Điều đáng nói là triển lãm cũng được tổ chức trong bối cảnh mối quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản ngày càng phát triển sâu rộng và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản năm sau sao hơn năm trước. Năm ngoái, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 14,7 tỷ đôla Mỹ tăng gần 8% so với năm 2013. Năm nay cũng là năm đánh dấu một bước ngoặt mới trong tiến hành hội nhập của Việt Nam. Việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, giúp Việt Nam tăng mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực công nghiệp, thu hút được nhiều FDI hơn, sản xuất công nghiệp nội địa tốt hơn, và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đất nước theo hướng tích cực.  
 
Ông Heihachi Iyekura (Chủ tịch HĐQT tập đoàn SISIKU ADDKREIS) trả lời phỏng vấn: “Công ty chúng tôi đang có kế hoạch mở sản xuất tại Việt Nam. Chính vì thế, chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm những doanh nghiệp đối tác, hoặc doanh nghiệp cung cấp linh kiện sản phẩm tại đây. Được biết các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Thăng Long đang rất phát triển và tôi hi vọng sẽ gặp được họ tại đây.”




Kể từ khi được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2004 tại thành phố Hồ Chí Minh cho đến nay, Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản luôn thu hút sự quan tâm của phía Nhật Bản. Sau mỗi lần triển lãm, Chính phủ cũng như doanh nghiệp Nhật Bản đều có những hỗ trợ cụ thể cho phía Việt Nam. Theo thống kê của JETRO, hiện nay có khoảng 1500 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù, gần một nửa trong số đó thuộc lĩnh vực sản xuất, song, tỷ lệ sản phẩm nội địa hóa mà những công ty Nhật Bản này thu mua chỉ đạt 33%. Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm nội địa này được cung cấp bởi các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Điều này cho thấy giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản còn rất hạn chế.

Ông Đỗ Kim Lang (Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam, Bộ Công thương) trả lời phỏng vấn: “Về phía Nhật Bản còn hỗ trợ ta rất nhiều các công việc khác. Ví dụ như là, đào tạo dạy nghề - tôi nghĩ, đây là một vấn đề mà chúng ta cũng rất cần, và cấp thiết. Vì, việc dạy nghề đối với công nghiệp hỗ trợ là không thể thiếu được. Hai là các nghiên cứu về hỗ trợ và chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia về kỹ thuật.”


Đại diện Bộ Công thương cũng khẳng định, qua sáu lần tổ chức, triển lãm đã trở thành cầu nối hiệu quả giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ về phụ tùng, linh kiện ngành ô tô, xe máy và điện tử có cơ hội gặp gỡ, giao dịch hợp tác kinh doanh và đầu tư lâu dài. Đây cũng là cơ hội thúc đẩy phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp nhằm tạo ra những sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh và giá trị gia tăng cao cũng như đẩy mạnh phát triển thị trường nội.


 
Ban truyền thông ATTi !
Tags

Bình luận